Thị xã La Gi: Tương lai gần sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh
Đề xuất chủ trương xây dựng La Gi lên thành phố
Nằm ở phía Nam của Bình Thuận, giữa thiên đường du lịch là TP. Phan Thiết và TP. Vũng Tàu, thị xã La Gi cũng đã sớm vươn mình và dần trở thành hạt nhân chính trong phát triển kinh tế và du lịch biển của tỉnh. Năm 2018, thị xã La Gi được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III khi đáp ứng được các tiêu chí của một đô thị loại III như: Quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị…
Theo Quy hoạch, dự kiến trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 thị xã La Gi sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh. Nơi đây sẽ hình thành hàng loạt khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thể thao hiện đại...
Ông Phạm Trọng Nhân - Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết: Trong những năm qua, thị xã đã hoàn thành quy hoạch chung về xây dựng; tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết phù hợp với tình hình thực tế phát triển của thị xã. Triển khai quy hoạch các khu đô thị mới và quy hoạch chỉnh trang đô thị. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch đô thị, trước hết là quản lý kiến trúc đô thị gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thị xã đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thị xã La Gi đến năm 2035 tại Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 25/4/2019 và Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 tại Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 24/2/2020. Theo đó, Thị xã sẽ hình thành khu đô thị phức hợp hành chính tại phường Tân An với quy mô 289,29ha; khu đô thị hỗn hợp dịch vụ rộng 129,42ha; phát triển, cải tạo khu dân cư cảng cá La Gi 342,59ha; phát triển khu đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch 72,4 ha;…
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với quyết tâm đưa La Gi phát triển nhanh, bền vững, nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Thị ủy đề xuất chủ trương xây dựng thị xã La Gi lên thành phố trực thuộc tỉnh. Mặt khác, để phát triển thị xã thành đô thị phía nam theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch. La Gi cũng đề nghị đưa vào kế hoạch nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55 để nối với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Đưa vào quy hoạch kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối với đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Đề nghị các ngành sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý với đề xuất xây dựng La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đồng ý với kiến nghị nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng. Đồng thời khẳng định La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu. Do vậy, La Gi phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế, lựa chọn giải pháp đột phá để thực hiện với quyết tâm cao và những nhiệm vụ cụ thể. Trong quá trình đó, Ban Thường vụ Tỉnh cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thị ủy La Gi cần quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tích cực tham gia xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng Quy hoạch thị xã đảm bảo khả thi, có tầm nhìn xa để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của thị xã trong thời gian tới. Đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị theo Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt…
“Bệ phóng” để La Gi lên thành phố
Thời điểm này, tại Bình Thuận hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm như: sân bay, đường ven biển, cao tốc… đang được đẩy nhanh tiến độ. Trên thực tế, những công trình này đều kết nối đến La Gi. Đây sẽ là “bệ phóng” đưa đô thị này lên thành phố trực thuộc tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Trước tiên phải nói đến Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được khởi công vào tháng 9/2020. Dự án này có tổng chiều dài 99 km, rộng hơn 32 m, quy mô 6 làn xe với vận tốc thiết kế là 120km/h. Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến Phan Thiết chỉ chưa đến 2 giờ đồng hồ.
Song song với tuyến đường này, 2 tuyến đường là ĐT. 719B (đường ven biển thứ 2 ở Bình Thuận) và đường Hàm Kiệm - Tiến Thành cũng đang được đẩy nhanh xây dựng. Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau khi xuống Quốc lộ 1 sẽ nối đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, dẫn xuống biển. Con đường dài khoảng 10,2km, rộng 37m, nối đường ĐT.719B tại Tiến Thành (Phan Thiết). Từ đây, đường ĐT.719B dài hơn 25km chạy vòng xuống ven biển kết nối La Gi. Được biết, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng hơn 460 tỷ đồng; đường ĐT.719B gần 1.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đang mở rộng đường ĐT.719 lên 32m, dẫn từ thành phố Phan Thiết đến thị xã La Gi có vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sân bay Phan Thiết đang đẩy nhanh tiến độ khởi công. Mặt khác, tuyến Quốc lộ 55 đoạn qua Bình Thuận sẽ chạy thẳng đến thị xã La Gi là tuyến đường huyết mạch kết nối nhiều khu vực quan trọng ở miền Đông Nam Bộ như: TPHCM, sân bay Long Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận cũng đã được được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ký Quyết định số 1903 đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án 85 tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu, đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận để tổ chức lập báo cáo chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường trên theo dự án nhóm B cùng với một số tuyến quốc lộ trong cả nước. Tuyến đường 55 sẽ được đảm bảo nguồn vốn triển khai thi công trong giai đoạn trung hạn được bộ phê duyệt... Ngoài ra, La Gi còn được kết nối với 3 tuyến đường quan trọng khác: Hàm Minh – Thuận Quý, Tà Cú – Tân Thuận, Hàm Tân – La Gi.
Theo các chuyên gia kinh tế, với “bệ phóng” trên La Gi sẽ tạo ra sức hút mạnh về phát triển du lịch, chuổi đô thị ven biển. Từ đây, sẽ giúp La Gi nhanh chóng trở thành thành phố La Gi trong tương lai.
Bảo Ngọc